Mở mang bờ cõi, bá chủ chư hầu Tần_Hiếu_công

Từ khi chưa thi hành biến pháp Thương Ưởng, Tần Hiếu công đã thực hiện nhiều hoạt động quân sự nhằm mở rộng lãnh thổ.

Năm 361 TCN, Tần Hiếu công phái hai đạo quân, phía đông đánh Thiểm thành (nay là Thiểm Tây) của nước Hàn, phía Tây đánh Tây Nhung, giết lãnh chúa tộc này là Nguyên Vương. Năm 360 TCN, Chu Hiển Vương sau sứ đến chúc mừng vua Tần.

Những cải cách của Thương Ưởng nhanh chóng làm nước Tần hùng mạnh, bách tính sung túc. Năm 358 TCN, Tần đánh bại nước Hàn ở Tây Sơn[6]. Năm 357 TCN, Sở Tuyên vương sai sứ sang lập liên minh với Tần. Năm 355 TCN, ông hội với Ngụy Huệ vương ở Đỗ Bình, mở đầu cho việc tiến vào trung nguyên.

Năm 344 TCN, Chu Hiển vương lại sai sứ phong cho Tần Hiếu công làm bá chủ, các nước đều đến chúc mừng. Năm 348 TCN, Hàn Chiêu hầu đích thân sang triều kiến nước Tần. Năm 342 TCN, Hiếu công sai thái tử Tứ vào triều kiến Chu Hiển vương.

Năm 342 TCN, nhiều nước chư hầu sai sứ đến mừng Tần Hiếu công. Ông sai công tử Thiếu Quan dẫn quân đi hội chư hầu tại Phùng Trạch và triều kiến Chu Hiển vương.

Tây Hà vốn là đất nước Tần đã lấy của nước Tấn từ đời Tần Mục công, nhưng sau đó Ngụy thừa cơ Tần nảy sinh nội loạn đem quân chiếm lấy, đời Tần Hiến công đã nhiều lần cho quân đánh Tây Hà. Năm 340 TCN, Hiếu công sai Thương Ưởng đi đánh Tây Hà. Khi tướng Ngụy là công tử Ngang đến nơi Thương Ưởng gửi thư mời đến uống rượu lừa rằng sẽ uống rượu ăn thề bãi binh. Công tử Ngang đến, Thương Ưởng liền cho vây bắt rồi đem quân đại phá quân Ngụy. Ngụy Huệ vương đánh sai sứ đến giảng hòa, dâng đất Tây Hà cho Tần. Từ đó, kinh đô An Ấp của nước Ngụy bị nước Tần áp sát, do đó vua Ngụy phải thiên đô về Đại Lương để tránh thế mạnh của nước Tần.

Năm 338 TCN, quân Tần lại đánh thắng Ngụy tại Nhạn Môn, bắt sống tướng Ngụy Thác.